Quy định khi điều khiển xe qua đường sắt
Theo quy định Luật Giao thông đường bộ, ở đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, phương tiện đường sắt sẽ được quyền ưu tiên đi trước, phương tiện đường bộ phải nhường đường. Do đó khi thấy biển báo hiệu sắp đến chỗ giao nhau giữa đường bộ và đường sắt, người lái xe cần giảm tốc độ và quan sát hệ thống báo hiệu phía trước.
Nơi có rào chắn
Đa số nơi giao nhau giữa đường bộ và đường sắt thường có rào chắn, đèn báo và chuông báo hiệu. Khi gần đến đường sắt, nếu người lái thấy đèn tín hiệu màu đỏ bật sáng, chuông báo reo lên cần giảm tốc độ và dừng xe cách rào chắn một khoảng cách an toàn. Khi đèn và chuông báo hiệu tắt, rào chắn mở hết thì mới cho xe di chuyển qua đường sắt.
Xem thêm:
- Lái xe trên cao tốc có những lưu ý gì quan trọng?
- Các điều cần biết khi lái xe qua hầm đường bộ
- Kinh nghiệm đi đèo an toàn nhất định phải biết
Nơi không có rào chắn, chỉ có đèn báo hiệu
Một số nơi giao nhau giữa đường bộ và đường sắt không có rào chắn, chỉ có đèn báo và chuông báo hiệu. Khi gần đến những nơi này nếu thấy đèn báo bật sáng, chuông báo hiệu reo lên thì cần chủ động cho xe dừng lại. Khoảng cách tối thiểu khi dừng xe cách đường ray là 5 m tính từ ray gần nhất. Khi đèn báo và chuông báo hiệu tắt mới cho xe di chuyển qua đường ray.
Nơi không có đèn báo hiệu
Trong trường hợp nơi giao nhau giữa đường bộ và đường sắt không có rào chắn, không có đèn hay chuông báo hiệu thì người lái xe cần cẩn thận quan sát hai phía. Nếu chắc chắn không có tàu từ xa thì mới cho xe chạy qua. Nếu thấy có tàu đang đến thì cần cho xe dừng cách đường ray tối thiểu 5 m. Đến khi tàu chạy qua hoàn toàn thì quan sát hai phía lần nữa, nếu thấy an toàn mới cho xe chạy qua.
Xem thêm:
- Những cách chống buồn ngủ khi lái xe nên áp dụng
- Cách chỉnh gương chiếu hậu ô tô giúp quan sát rộng nhất
- Hướng dẫn xử lý kính bị mờ khi lái xe trời mưa
Kinh nghiệm lái xe qua đường sắt an toàn
Không cố vượt khi đèn có đèn hay chuông báo hiệu
Khi có đèn hay chuông báo hiệu, tuyệt đối không cố vượt qua đường sắt dù rào chắn chưa hạ hết hoặc không có rào chắn. Điều này rất nguy hiểm. Đã có không ít vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng xảy ra do xe cố tình vượt qua đường sắt dù hệ thống báo hiệu đã bật.
Không băng qua khi bên kia đang kẹt xe
Nếu thấy phía bên kia của đường ray đang có dấu hiệu kẹt xe, tắc nghẽn thì không nên băng qua. Bởi khi này khả năng cao là xe bạn sẽ phải đứng giữa đường sắt để chờ đợi. Điều này rất nguy hiểm. Nếu có tàu lửa đến thì xe bạn cũng không tiến được mà cũng không lùi được do bị mắc kẹt giữa đám đông. Vì thế trước khi băng qua đường sắt nên quan sát phía bên kia. Nếu đường thông thoáng mới cho xe chạy qua. Nếu đường kẹt, không đảm bảo khoảng cách an toàn với đường ray thì nên dừng bên đây để đợi.
Cách xử lý khi xe chết máy giữa đường ray
Trong trường hợp xe ô tô bị hư hỏng, xe chết máy giữa đường ray – nơi giao nhau giữa đường bộ và đường sắt hoặc gần đường ray cần ngay lập tức thông báo cho nhân viên gác chắn. Trong trường hợp không có nhân viên gác chắn thì cần nhanh chóng đặt báo hiệu trên đường sắt cách tối thiểu 500 m về cả hai phía để thông báo cho người lái tàu. Đồng thời tìm cách liên hệ với đơn vị quản lý đường sắt, nhà ga gần nhất hay lực lượng chức năng địa phương.
Sau đó tìm mọi cách nhanh chóng đưa xe ra khỏi phạm vi an toàn đường sắt. Có thể kêu gọi mọi người xung quanh giúp đỡ.
Xem thêm:
- Cách đi xe đường lầy lội dễ dàng
- Hướng dẫn lái xe đường ngập an toàn, tránh rủi ro
- Những kinh nghiệm lái xe an toàn cạnh xe tải lớn
Mức xử phạt khi vi phạm giao thông đường sắt
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, người điều khiển ô tô sẽ bị xử phạt từ 3 – 5 triệu đồng, hình phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1 – 3 tháng đối với các lỗi vi phạm sau:
- Lỗi vượt rào chắn khi rào chắn đang dịch chuyển
- Lỗi vượt đường ray khi đèn đỏ đã bật sáng
- Lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của nhân viên gác chắn